Kết nối với Ecoteck VN

3.650 triệu mét khối nước thải sinh hoạt xả ra môi trường mỗi năm

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm, trên địa bàn cả nước thải ra môi trường hơn 3.650 triệu mét khối nước thải sinh hoạt.
Theo báo cáo, nước thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn chưa qua xử lý chiếm tỷ lệ lớn nhất, khoảng 60% lượng nước thải, gây ra tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Trong khi đó, cả nước hiện mới xây dựng được 49 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung với tổng công suất thiết kế 1.181.380 m³/ngày đêm. Hệ thống thoát nước trên toàn quốc đạt 60% nhưng tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%, trong đó, tỷ lệ đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung mới đạt khoảng 21,35%.

Ở nông thôn, thực tế hầu hết các khu dân cư chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Tỷ lệ các hộ đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị còn thấp (trong khi 90% hộ gia đình xả nước thải vào bể tự hoại, chỉ 4% lượng phân bùn được xử lý); giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải quá thấp (trung bình chỉ bằng 10% giá nước sạch), chỉ đáp ứng được khoảng 10% chi phí xử lý thực tế.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Ngoài ra, đầu tư tài chính cho công tác quản lý nước thải còn thiếu và chưa cân đối mặc dù đã có sự tham gia của khối tư nhân; cơ chế huy động nguồn lực từ tư nhân còn chưa hiệu quả.

Để đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tiếp tục kiểm soát, xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt và đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương. Cụ thể, tập trung triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết Luật (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT), đặc biệt là các quy định về đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị, khu vực tập trung dân cư; xử lý nước thải tại chỗ tại các hộ gia đình, khu dân cư chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung…

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất cần thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, đặc biệt là cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư để huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.

Theo báo Hà Nội mới

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
Email