Với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng”, những năm qua, TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động của làng nghề, nhất là ô nhiễm nước thải. Tuy nhiên, để các biện pháp thực sự đem lại hiệu quả lâu dài và bền vững cần tiến hành đồng bộ, nhất quán.
Tín hiệu khả quan
Thời gian qua, TP Hà Nội đã xây dựng đề án bảo vệ môi trường làng nghề, triển khai nhiều giải pháp từ tuyên truyền thay đổi nhận thức cho người dân đến những giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch. Từ đó, đã có những tín hiệu khả quan về môi trường làng nghề. Làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, từ là một làng chuyên thu gom lông gà lông vịt và sản xuất các phụ kiện may mặc nổi tiếng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay, những công đoạn in, nhuộm thải hóa chất ra môi trường đã được người dân loại bỏ, chuyển sang đi thuê nhuộm tại các DN lớn có công nghệ hiện đại, số lượng cơ sở thu gom lông gà lông vịt cũng chỉ còn rất ít. Đối với nghề tái chế chất thải, mỗi cơ sở sản xuất đều có hệ thống xử lý nước thải riêng.
Ông Nguyễn Huy Thắng – Trưởng thôn Triều Khúc, xã Tân Triều cho biết: “Hiện nay, làng nghề đã có hệ thống cống thu gom và thoát nước đạt tiêu chuẩn về nông thôn mới, người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Chính quyền địa phương yêu cầu các hộ ký cam kết và xử phạt đối với các trường hợp vi phạm nên tình hình môi trường đã được cải thiện đáng kể”.
Tương tự, tại làng bún Phú Đô, với việc ứng dụng công nghệ và sử dụng năng lượng thay thế vào sản xuất đã không còn tình trạng nước thải và các loại chất thải của làng nghề xả trực tiếp ra kênh dẫn của sông Nhuệ. Thay vì dùng than như trước kia, làng bún Phú Đô chuyển sang sử dụng lò than cải tiến, nồi hơi và dây chuyền khép kín từ máy xay, nhào bột, làm bún… bằng điện.
Được biết, Hà Nội đã thành lập thêm 44 cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn các quận, huyện: Hà Đông, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì… Mặt khác, TP đang triển khai một số dự án có quy mô lớn như Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, cụm làng nghề tại xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức), công suất 20.000m3/ngày – đêm đã vận hành từ tháng 10/2016.
Hiện TP đang chỉ đạo xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) và hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (huyện Thanh Oai)… Đến nay, 21/43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định, đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ 49%.
Tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, bên cạnh những tín hiệu khả quan ở một số địa phương, việc giải quyết ô nhiễm nước thải làng nghề hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, giải pháp chưa đem lại hiệu quả cao.
Bởi lẽ, hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề thường nằm xen kẽ giữa khu dân cư; một bộ phận người dân vẫn có thói quen tham gia sản xuất cùng với các thành viên trong gia đình nên khó khăn trong việc di dời các hộ sản xuất. Chính quyền địa phương cũng đang lúng túng trong việc quản lý môi trường làng nghề do hạn chế cả về nhận thức cũng như khả năng hoạch định giải pháp.
Không đánh đồng tất cả
GS.TS Đăng Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, hệ thống làng nghề của Việt Nam rất đa dạng, bởi vậy, chất thải và nguồn xả thải của mỗi một làng nghề có đặc thù riêng. Do đó, tùy theo từng loại hình làng nghề và điều kiện kinh tế địa phương để áp dụng những giải pháp xử lý khác nhau, không thể đánh đồng tất cả. Các cơ quan quản lý môi trường địa phương có làng nghề cần phải sớm xây dựng những quy chuẩn đặc thù về nước thải cho từng làng nghề và có biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ.
Một số làng nghề nước thải có nhiều hóa chất độc hại, cần phải thu gom nước thải tập trung và có những biện pháp xử lý giống như nước thải công nghiệp trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, với các làng nghề có diện tích lớn hoặc tập trung xen kẽ vẫn có thể áp dụng biện pháp xử lý phân tán, sau đó mới đưa vào xử lý chung.
Đặc biệt, phải hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội. Các cơ sở làng nghề cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trong đó có cả thu phí bảo vệ môi trường với các làng nghề gây ô nhiễm.
“Cùng với đó, xây dựng cơ chế vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo nguyên tắc, ai xả nước thải gây ô nhiễm người đó phải trả tiền. Đây là giải pháp rất quan trọng để đưa ra những phương án, quy trình, biện pháp giám sát, kịp thời phát hiện trường hợp không xử lý nước gây ô nhiễm” – GS.TS Đặng Kim Chi cho biết thêm.
Cùng đưa ra những giải pháp nhằm cải thiện ô nhiễm nước thải làng nghề, Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng Trần Thị Hương cho rằng, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật là biện pháp đã và đang đem lại hiệu quả tại nhiều làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, muốn có công nghệ xử lý tốt thì phải cải thiện hạ tầng cơ sở của làng nghề, sau đó xây mới hệ thống xử lý nước thải tập trung.
“Do đặc thù của làng nghề nên cũng không thể đưa những công nghệ xử lý nước thải quá hiện đại, quá đắt tiền hoặc khó vận hành mà nó phải phù hợp với trình độ, điều kiện của người dân” – bà Trần Thị Hương nhận định.
“Với gần 1.500 làng nghề nhưng hiện nay số lượng các làng nghề ở Hà Nội có hệ thống xử lý nước thải rất ít. Vì vậy, bảo vệ môi trường không chỉ của riêng làng nghề mà cần có sự chung tay của chính quyền địa phương, các cấp, ngành, DN, tổ chức xã hội và đồng bộ chính sách, trong đó gắn với điều kiện, đặc thù từng địa phương mới đem lại hiệu quả bền vững.” – Chủ tịch Hội đồng khoa học và Kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam GS.TS Đặng Kim Chi.
Theo Kinh tế Đô thị