Những hoạt động của con người, các đập thủy điện, hồ chứa nước để tưới tiêu, xả thải, lấp sông và nhiều dự án nhân tạo khác đang giết dần giết mòn rất nhiều dòng sông, bao gồm cả những con sông lớn nhất. Vì vậy, Việt nam cũng như các nước trên thế giới đang nỗ lực để bảo vệ và hồi sinh sông.
Ngăn chặn hành động “ngược đãi” các dòng sông
Để bảo vệ các dòng sông, Việt Nam đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra nhiệm vụ quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước, tăng cường quản lý nguồn nước theo lưu vực sông; tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững… Chỉ thị số 25/CT-TTg cũng đặt ra những yêu cầu rất cụ thể về quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, đó là tập trung thanh tra, kiểm tra các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên; rà soát đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT) của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải; xử lý triệt để, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư; Yêu cầu tất cả các KCN, KCX, khu công nghệ cao, CCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; lắp đặt các thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải; tăng cường hiệu quả hoạt động của các Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông (LVS)…
Các tổ chức quản lý LVS cũng được thành lập. Hiện nay, ở cấp quản lý liên vùng, liên tỉnh, nước ta có 9 tổ chức quản lý gồm: 4 Ban Quản lý quy hoạch LVS (gồm các LVS Hồng – Thái Bình, Vu Gia – Thu Bồn, sông Đồng Nai, sông Mê Công) và 2 Hội đồng LVS (gồm LVS Cả và LVS Sê San – Sêrêpôk) do Bộ NN&PTNT thành lập và quản lý và 3 Ủy ban BVMT LVS do Thủ tướng Chính phủ thành lập (gồm LVS Cầu, Nhuệ – Đáy và LV hệ thống sông Đồng Nai). Đối với các địa phương khác, BVMT LVS được lồng ghép trong các quy hoạch, kế hoạch quản lý. Trong đó, phải kể đến những nỗ lực của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng trong việc cùng nhau định hướng và lập Kế hoạch quản lý Tài nguyên nước LVS Vu Gia – Thu Bồn.
Tăng cường quản lý nguồn nước theo lưu vực sông. (Ảnh minh họa)
Đầu tư để bảo vệ môi trường
Việt Nam cũng dành nguồn kinh phí lớn để đầu tư cho công tác BVMT LVS. Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, chỉ tính riêng LVS Nhuệ – Đáy, đã có 4 dự án được đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường với tổng dự toán hơn 290,9 tỷ đồng. Chương trình Mục tiêu về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích năm 2016 – 2020 cũng đầu tư xây dựng 3 dự án xử lý nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra 3 LVS Nhuệ – Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai với tổng kinh phí là 3.407 tỷ đồng.
Nhằm giám sát các nguồn thải đổ ra sông, Bộ TN&MT đã duy trì Chương trình Quan trắc môi trường nước mặt định kỳ với tổng số khoảng 360 điểm quan trắc, tần suất 4 – 5 đợt quan trắc/năm tại các LVS: LVS Cầu, Nhuệ – Đáy, Hồng – Thái Bình, Mã, Cả, Vu Gia – Thu Bồn, LVHTS Đồng Nai, Tây Nam Bộ. Các Bộ ngành vẫn tiếp tục duy trì Chương trình Quan trắc chất lượng môi trường hàng năm với khoảng gần 100 điểm quan trắc môi trường nước mặt tại các khu vực đô thị, các khu vực chịu tác động bởi các hoạt động sản xuất công nghiệp với tần suất 3 – 6 đợt quan trắc/năm. Ở cấp địa phương, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường hoặc Kế hoạch quan trắc môi trường trên địa bàn, số lượng điểm quan trắc nước mặt giao động khoảng từ 5 – 30 điểm, tần suất từ 2 – 6 đợt/năm tùy theo địa phương.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, riêng đối với LVS Nhuệ, sông Đáy, đến nay, Chính phủ và các địa phương đã đầu tư trên 20.000 tỷ đồng để thực hiện các bước ban đầu và tiến hành giám sát, xây dựng các trạm quan trắc môi trường tại Hà Nội, Hà Nam, Hoà Bình… đồng thời xử lý, nạo vét và trồng lại rừng đầu nguồn.
Vẫn cần một cơ quan có quyền lực thực sự
Mặc dù đã có nhiều quyết sách lớn để bảo vệ các dòng sông nhưng các LVS trên cả nước hiện đang đứng trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Điển hình như ô nhiễm sông Nhuệ, sông Tô Lịch trong nội thành Hà Nội, sông Ngũ Huyện Khê tại Bắc Ninh, sông Bắc Hưng Hải ở Hưng Yên, hệ thống các kênh rạch chảy qua quận 8, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, TP.HCM… Thậm chí, có khu vực đã được cải tạo, khắc phục tình trạng ô nhiễm nhưng sau một thời gian lại tái hiện tình trạng ô nhiễm như kênh Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hủ – Bến Nghé ở TP.HCM.
“Chúng tôi luôn nhấn mạnh là phải có cơ quan quyền lực thực sự. Chẳng hạn như với vấn đề khai thác cát, rõ ràng nếu tỉnh này cho phép hoạt động khai thác diễn ra sẽ gây tác động tới tỉnh khác, nhưng những địa phương bị ảnh hưởng lại không thể làm gì vì nó không thuộc quyền hạn của mình”.
TS. Đào Trọng Tứ – Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và biến đổi khí hậu.
Các sự cố gây ô nhiễm môi trường nước mặt vẫn tiếp tục diễn ra, trong khi đó, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành có liên quan trong khai thác sử dụng và bảo vệ môi trường nước LVS vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sự thống nhất dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường nước. Các tổ chức LVS hoạt động nhiều năm nhưng chưa thể hiện được vai trò trong việc tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước trong LVS, nhất là các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng…
Hiện, trên cùng một dòng sông, có tới 4 Bộ, ngành giữ vai trò quản lý là Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT và Bộ Giao thông Vận tải. Hệ thống văn bản chính sách đã quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành trong việc quản lý tài nguyên trên các LVS. Tuy nhiên, vấn đề là Việt Nam đang thiếu một tổ chức có quyền hạn và trách nhiệm thực sự để điều tiết các vấn đề trên LVS. Theo quan điểm của các chuyên gia, để giải quyết bài toán bảo vệ LVS hiện nay, yếu tố quan trọng là cần một cơ quan chỉ đạo thống nhất tất cả các hoạt động.
PGS.TS Nguyễn Văn Thắng – Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội cho biết: Theo quan niệm về quản lý tổng hợp LVS phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa quản lý địa giới hành chính và quản lý tổng hợp LVS. Trên LVS phải có một Ban Quản lý hoặc cơ quan quản lý chỉ đạo thống nhất tất cả các hoạt động về khai thác sử dụng nước cũng như phòng chống những thiệt hại do nước gây ra.
Ông Nguyễn Đức Vượng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam: Hy vọng ở công trình xử lý nước thải tập trung của TP. Hà Nội
Trong những năm qua, tỉnh Hà Nam đã tập trung thực hiện công tác bảo vệ môi trường, ý thức của người dân đã được nâng lên; nhiều dự án, công trình liên quan đến bảo vệ môi trường đã được đầu tư, đặc biệt là các dự án về nạo vét, kè sông Nhuệ… Dù đạt được nhiều kết quả song vẫn chưa đạt được yêu cầu, môi trường LVS Nhuệ – sông Đáy vẫn bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Hà Nam là tỉnh giáp ranh với Hà Nội, hàng năm vẫn có những đợt xả thải từ Hà Nội về Hà Nam, mức độ ô nhiễm vẫn vượt quá nhiều so với tiêu chuẩn. Trong khi đó, tại địa phương, hiện các cụm công nghiệp, làng nghề, các khu đô thị, khu dân cư, khu chăn nuôi tập trung chưa xử lý được nước thải. Do vậy, nguồn nước sông Nhuệ – Đáy bị ô nhiễm đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất và sức khỏe của người dân.
Được biết, Chính phủ và UBND TP. Hà Nội đã đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải tập trung, khi hoàn thành sẽ tạo nguồn nước sạch từ đầu nguồn chảy về phía hạ lưu.
Đồng thời, để tăng cường công tác bảo vệ môi trường LVS Nhuệ – Đáy, trong những năm tiếp theo, các địa phương cũng cần đầu tư hệ thống thu gom, xử lý từ nguồn thải chính như từ khu/cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư khi xả thải cần đảm bảo nước thải đạt quy chuẩn môi trường. Đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, các khu/cụm công nghiệp và làng nghề. Tiếp tục truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường LVS Nhuệ – Đáy.
Ông Châu Trần Vĩnh Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước: Đảm bảo lưu thông dòng chảy, phòng, chống nguy cơ ô nhiễm
Để giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, thời gian qua, Bộ TN&MT đã ban hành chính sách về giám sát (Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT) góp phần bảo đảm nâng cao hiệu quả sử dụng nước, bảo vệ nguồn nước các LVS. Việc đảm bảo lưu thông dòng chảy, hành lang thoát lũ và bảo vệ các nguồn nước quan trọng thông qua việc lập hành lang bảo vệ nguồn nước và bảo vệ lòng, bờ bãi sông cũng được chú trọng. Nghị định 43/2015/NĐ-CP, Nghị định 23/2020/NĐ-CP) được ban hành đã phân cấp cho các địa phương và các chủ hồ chứa thực hiện. Chính sách này đã góp phần phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; lấn, chiếm đất ven nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước. Đến nay, có 33/63 tỉnh đã phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, 17/63 tỉnh đang lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Mặt khác, một số LVS lớn, vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế – xã hội, một số đảo lớn quan trọng đã được tiến hành điều tra, đánh giá tài nguyên nước, tình hình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước. Đã hoàn thành lập bản đồ danh mục LVS Việt Nam.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Cục Quản lý Tài nguyên nước sẽ phối hợp cùng các đơn vị điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt trên các LVS lớn. Theo đó, sẽ công bố môi trường nước không còn khả năng chịu tải (trước mắt công bố tại các khu vực tập trung nhiều các hoạt động phát triển công nghiệp, nuôi trồng thủy sản) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Lập kế hoạch xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường nước mặt đối với các khu vực nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay trên các LVS theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Luật Tài nguyên nước năm 2012.
Ông Nguyễn Đình Phương Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh: Cứu sông Cầu, xử lý nghiêm các trường hợp xả thải không qua xử lý
Trước tình trạng ô nhiễm sông Cầu, tỉnh Bắc Ninh đã nhận được Văn bản chỉ đạo của Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT. Chúng tôi đã phối hợp với UBND thành phố tiến hành khảo sát thực tế các nguồn xả thải ra sông Cầu. Kết quả cho thấy, nguồn nước sông Ngũ Huyện Khê từ địa bàn huyện Tiên Du đến cống xả Đặng Xá, phường Vạn An, TP. Bắc Ninh đã cạn, không có nhiều nước. Tại cống xả Đặng Xá có tình trạng rò rỉ nước sông Ngũ Huyện Khê ra kênh dẫn vào sông Cầu, nước có màu đen và mùi hôi. Tại vị trí cống xả Vạn Phúc (gần trạm bơm tiêu Vạn An), phường Vạn An, TP. Bắc Ninh, có nước chảy ra sông Cầu, nước có màu đen và mùi hôi. Cống xả Vạn Phúc là nơi tiếp nhận một phần nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê, các cơ sở sản xuất giấy ở Châm Khê, Ngô Khê, phường Phong Khê và một số cơ sở nằm trên đường tỉnh lộ 286, một cơ sở chăn nuôi tại phường Vạn An và nước thải sinh hoạt của huyện Yên Phong theo kênh tiêu đổ vào.
Nhằm giải quyết và khắc phục tình trạng ô nhiễm nước sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu, Sở TN&MT đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an thường xuyên trinh sát, bắt quả tang và xử lý nghiêm các trường hợp xả thải không qua xử lý ra môi trường. UBND TP. Bắc Ninh sớm hiệu chỉnh giai đoạn I của Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê để đảm bảo xử lý nước thải theo công suất thiết kế và quy chuẩn môi trường, vận hành thường xuyên một cách có hiệu quả. Chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Bắc Ninh xây dựng lịch xả và điều tiết cống xả Vạn Phúc hợp lý, hiệu quả, tránh gây ô nhiễm nguồn nước sông Cầu.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong. vn/