Kết nối với Ecoteck VN

Ô nhiễm môi trường nước và công nghệ xử lý – Bài 2: Hiện trạng xử lý các nguồn nước thải

Nhận rõ tài nguyên nước đã và đang bị suy thoái do các nguồn thải ngày càng gia tăng trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, ngay từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2007 về thoát nước đô thị và khu công nghiệp. Tiếp đó là Nghị định 80/2014 về thoát nước và xử lý nước thải được sửa đổi theo Nghị định 38/2015 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7957:2008.

Trường hợp khi nước thải của các đơn vị, doanh nghiệp chứa các chất đặc thù, hay có nồng độ vượt quá ngưỡng quy định đối với nước thải đầu vào của nhà máy xử lý nước thải tập trung, trách nhiệm xử lý nước thải cục bộ thuộc về đơn vị, doanh nghiệp…

Đa dạng hóa các giải pháp xử lý nước thải đô thị

Đa dạng hóa các giải pháp xử lý nước thải đô thị

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường đô thị và công nghiệp cho biết, tính đến hết năm 2018, cả nước có 48 nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, với công suất thiết kế 1,3 triệu m3/ngày đêm, nhưng thực tế đưa vào vận hành xử lý được 1,102 triệu m3/ngày đêm. Các nhà máy ứng dụng 7 công nghệ chủ yếu là: hồ sinh học, xử lý nước thải theo chuỗi hồ sinh học, lọc sinh học, bùn hoạt tính truyền thống, kênh ôxy hóa tuần hoàn, sinh học kỵ khí – hiếu khí, xử lý kỵ khí – hiếu khí – thiếu khí, bể phản ứng theo mẻ tiên tiến.

Đây là các công nghệ đang tồn tại trên các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I, II và III ở Việt Nam. Trường hợp ngoại lệ là Nhà máy Xử lý nước thải Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) chỉ áp dụng công nghệ xử lý cơ học.

Công nghệ hồ sinh học có làm thoáng là công nghệ tương đối đơn giản, được áp dụng cho các nhà máy xử lý nước thải ở đô thị Bình Hưng Hòa (Thành phố Hồ Chí Minh), công suất 30.000 m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý thải thành phố Phan Rang- Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) có công suất 5.000 m3/ngày đêm. Công nghệ hồ sinh học kỵ khí có phủ bề mặt được áp dụng tại các nhà máy xử lý nước thải của thành phố Đà Nẵng là Hòa Cường công suất 40.000 m3/ngày đêm, Phú Lộc công suất 40.000 m3/ngày đêm và Sơn Trà công suất 16.000 m3/ngày đêm.

Công nghệ kênh ôxy hóa tuần hoàn được áp dụng ở Nhà máy xử lý nước thải thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) 2.500 m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) 40.000 m3/ ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải Canh Đôi – Phú Mỹ Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh) có công suất 10.000 m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) có công suất 10.000 m3/ ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) 30.000 m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải Thanh Châu (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) công suất 5.000 m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải Bắc Châu Giang (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) công suất 1.500 m3/ngày đêm.

Qua hơn chục năm vận hành cho thấy, nồng độ nước thải đầu vào của những nhà máy xử lý nước thải ở các đô thị đều thấp hơn nhiều so với số liệu thiết kế ban đầu. 3 trong số 35 nhà máy xử lý nước thải tập trung đang hoạt động, tiếp nhận nước thải từ hệ thống thoát nước riêng, là Nhà máy xử lý nước thải tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) có nồng độ nhu cầu ôxy hóa học 560 – 600mg/lít; tổng nito 90 – 95mg/lít. Số còn lại 32 nhà máy tiếp nhận nước thải từ hệ thống thoát nước chung nửa riêng. Nước thải đầu vào các nhà máy này có nồng độ thấp, nhu cầu ôxy sinh hóa trung bình khoảng 31 – 135mg/lít, nhu cầu ôxy hóa học 60 – 230mg/lít, tổng nito 11 – 40mg/lít. Đây là xu hướng rất cần thiết, mang tính đa dạng hóa các giải pháp vệ sinh môi trường.

Công nghệ áp dụng tại khu, cụm công nghiệp

Công nghệ áp dụng tại khu, cụm công nghiệp

Công nghệ xử lý nước thải ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp khá đa dạng, song chủ yếu xử lý nước thải tập trung theo 3 công nghệ chính yếu. Đó là Công nghệ truyền thống xử lý sinh học bằng bùn hoạt tính: Nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu xả vào nguồn nước mặt loại B (nhu cầu ôxy sinh hóa của nước thải đầu ra từ 30 – 50mg/lít). Các Nhà máy xử lý nước thải tập trung công nghiệp Cái Lân (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Thăng Long (thành phố Hà Nội), Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), Suối Dầu (tỉnh Khánh Hòa), Tân Tạo (Thành phố Hồ Chí Minh)… đang áp dụng công nghệ này.

Thứ hai là Công nghệ xử lý nước thải với quá trình xử lý sinh học hiếu khí bằng hệ vi sinh vật sinh trưởng, dính bám, hợp khối với các công trình xử lý khác trong hệ thống xử lý. Công nghệ này được áp dụng tại Nhà máy xử lý nước thải Khu Công nghiệp Hòa Khánh (thành phố Đà Nẵng), Việt Nam-Singapo (tỉnh Bình Dương)…

Thứ ba là Công nghệ xử lý nước thải với quá trình xử lý sinh học bằng bùn hoạt tính thổi khí kéo dài, trong các công trình như aeroten trộn thổi khí kéo dài, bể xử lý theo mẻ, kênh ôxy hóa tuần hoàn, hệ kỵ khí – thiếu khí – hiếu khí. Công nghệ này được áp dụng cho phần lớn các Khu Công nghiệp như: Thụy Vân (tỉnh Phú Thọ), Tân Thuận, Linh Trung (Thành phố Hồ Chí Minh), Phú Mỹ I (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số các khu công nghiệp, có 214 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động (chiếm 87%) xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung có tổng công suất thiết kế 820.000 m3/ngày đêm. Trong khi đó, tổng lượng nước thải phát sinh trong các khu công nghiệp này khoảng 557.000 m3/ngày đêm. Tuy vậy, vẫn tồn tại tình trạng một số khu công nghiệp có tỷ lệ đấu nối thấp như Khu Công nghiệp Đình Hương và Khu Công nghiệp Lễ Môn (tỉnh Thanh Hóa). Tại Khu Công nghiệp Lễ Môn, chỉ có 9/26 doanh nghiệp thực hiện đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tại Khu Công nghiệp Đình Hương, cả 91 cơ sở doanh nghiệp đang hoạt động đều không thực hiện đấu nối.

Thực hiện Thông tư 35/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động để giám sát hệ thống xử lý nước thải, đến nay, các tỉnh, thành phố: Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng đã có những khu công nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với các hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Xử lý nước thải chăn nuôi và nước rỉ rác

Đề cập về công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi hiện nay, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường cho biết có 5 loại hình quy trình điển hình được áp dụng để xử lý nước thải trong các trang trại chăn nuôi. Đó là thải nước thải chăn nuôi trực tiếp ra kênh mương; nước thải có thể lẫn phân hay được tách phân xử lý bằng hồ kỵ khí có phủ bạt, sau đó qua ao sinh thái rồi mới thải ra môi trường; xử lý qua hầm biogas (chiếm tới 50% tổng số trang trại chăn nuôi tập trung), rồi mới thải ra môi trường; nước thải lẫn phân hoặc đã tách phân xử lý bằng hầm biogas, được xử lý tiếp bằng ao, hồ sinh học-công nghệ này chiếm 25% tổng số trang trại chăn nuôi. Một công nghệ nữa xử lý nước thải chăn nuôi là bằng ổn định kỵ khí, tiếp đó được xử lý bằng phương pháp lọc sinh học kỵ khí hay aeroten, cuối cùng qua hồ thực vật thủy sinh.

Về xử lý nước rỉ rác tại các bãi chôn lấp, công nghệ áp dụng tùy thuộc điều kiện cụ thể từng địa phương và nếu xử lý riêng biệt, bao gồm 3 khối là bể điều hòa xử lý sơ bộ; xử lý sinh học để loại bỏ các hợp chất hữu cơ; xử lý bằng phương pháp hóa học kết hợp hóa lý. Các quá trình áp dụng là ôxy hóa – khử, keo tụ – kết tủa, lọc qua lớp vật liệu, vi lọc, thẩm thấu ngược, hấp thụ…

Hiện các trạm xử lý nước rỉ rác tại bãi chôn lấp thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thái Nguyên, Hạ Long, Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới, Quy Nhơn… đều áp dụng công nghệ hóa học và sinh học kết hợp. Riêng trạm xử lý nước rỉ rác tại bãi chôn lấp Lương Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sau xử lý được bơm về xử lý chung với nước thải của thành phố này.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
Email