Kết nối với Ecoteck VN

Phòng chống thiên tai liên quan đến Nước trong bối cảnh dịch Covid-19

Ứng phó và Khắc phục hậu quả sau lũ lụt hoặc hạn hán trong bối cảnh dịch bệnh phải khắc phục và giảm tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 sẽ càng phức tạp hơn và ngược lại. Các chiến lược và hành động Giảm nhẹ rủi ro thiên tai được xây dựng nhằm ứng phó với tình hình đại dịch hiện tại sẽ giúp bảo vệ các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai sao cho các khu vực này không trở thành tâm điểm bùng phát đại dịch và hỗ trợ khôi phục nhanh chóng sau thiên tai.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay, các rủi ro thiên tai liên quan đến nước luôn thường trực. Do vậy, cần thực hiện các chiến lược Phòng chống thiên tai và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong đại dịch để tránh cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai không trở thành các ổ dịch mới.

10 nguyên tắc chính là những khuyến nghị thiết thực trong việc quản lý các ứng phó COVID-19 và phòng chống thiên tai, đó là: Nâng cao nhận thức của các nhà lãnh đạo về Phòng chống thiên tai trong đại dịch; Lồng ghép các hoạt động phòng chống thiên tai và phòng chống đại dịch; Bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân trong và sau thiên tai; Bảo vệ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai khỏi các rủi ro dịch COVID-19; Bảo đảm các nguồn lực y tế khan hiếm trước các tác động của thiên tai.

Phòng chống thiên tai liên quan đến Nước trong bối cảnh dịch Covid-19

Ảnh minh họa

Đồng thời, bảo vệ những người phải sơ tán do thiên tai không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; bảo vệ các bệnh nhân COVID-19 trước các rủi ro và tác động của thiên tai; Xây dựng Hướng dẫn sơ tán cụ thể cho các thành phố và khu vực bị phong tỏa bởi dịch COVID-19; Hỗ trợ tài chính cho người bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để tránh khủng hoảng kinh tế; Tăng cường đoàn kết toàn cầu và hợp tác quốc tế để đối phó với các thách thức/khủng hoảng xảy đến cùng lúc nhằm xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn.

Lồng ghép các hoạt động PCTT và phòng chống đại dịch

Theo Đối tác Nước toàn cầu, mặc dù nếu bị ảnh hưởng bởi cả thiên tai và đại dịch một lúc sẽ là rất khó khăn và phức tạp, nhưng chúng ta vẫn cần ra quyết định và hành động từng bước một. Luôn cân nhắc yếu tố bệnh dịch trong quá trình đưa ra các quyết định về ứng phó thiên tai và ngược lại. Việc này sẽ giúp các hành động được thực hiện hiệu quả và tránh chồng chéo.

Cùng với đó, đảm bảo phối hợp hiệu quả các chiến lược và hành động phòng chống rủi ro thiên tai và đại dịch. Tập hợp các nhóm chuyên gia về phòng chống thiên tai và COVID-19 để cùng tham vấn về các hoạt động đang được thực hiện của từng ngành và đóng góp ý kiến về lồng ghép và phối hợp. Tham vấn các chuyên gia trước khi đưa ra các quyết định quan trọng.

Khi thiên tai liên quan đến nước xảy ra, hãy duy trì hoặc khôi phục càng nhanh càng tốt các dịch vụ cơ bản như điện, giao thông, nước và vệ sinh để phòng ngừa dịch bệnh lây lan và các hậu quả nặng nề do thảm họa kép xảy ra, trong đó có cả việc bảo vệ cán bộ y tế và lực lượng PCTT. Hãy yêu cầu các lãnh đạo PCTT thực hiện các biện pháp chủ động như lập kế hoạch bảo vệ khẩn cấp cơ sở hạ tầng quan trọng và bố trí nguồn cung cấp vật tư/thiết bị dữ trữ nhằm bảo đảm khắc phục hậu quả nhanh chóng.

Cần xây dựng ngay Kế hoạch PCTT trong bối cảnh đại dịch để chuẩn bị cho tình huống sẽ xảy ra trong thực tế. Với mục tiêu vừa phòng chống thiên tai vừa chống lây nhiễm COVID-19, Kế hoạch PCTT trong bối cảnh COVID-19 cần giải quyết các nhu cầu cụ thể của các đối tượng khác nhau như: nam giới, phụ nữ, thanh niên và trẻ em, người già, người tàn tật, người di cư, người tị nạn hoặc mất nhà cửa, công nhân, người sống ở khu nhà ổ chuột, người vô gia cư và những người dễ bị nhiễm COVID-19 (những người có bệnh nền). Thu thập dữ liệu về các cá nhân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và thiên tai theo giới tính, tuổi tác, mắc/không mắc các bệnh nền, các nhóm như đã đề cập ở trên… làm cơ sở để xây dựng các Kế hoạch tổng hợp phòng chống thiên tai và COVID-19 hiệu quả.

Đặc biệt, ưu tiên cao nhất là tập trung nhân lực và tài chính cho hoạt động cấp nước và bảo đảm vệ sinh trong và sau thiên tai vì vệ sinh cá nhân, đặc biệt là việc rửa tay, là một yếu tố quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Trong bối cảnh thiên tai diễn ra khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc huy động ngành y tế tham gia vào Hệ thống phòng chống thiên tai là cần thiết. Xây dựng và cung cấp bản đồ rủi ro thiên tai và giải pháp phòng chống thiên tai cho các bệnh viện và cơ sở y tế trước khi thiên tai xảy ra.

Rà soát và cải thiện các hệ thống cảnh báo sớm và hệ thống sơ tán sao cho các hệ thống này đáp ứng yêu cầu sơ tán an toàn và vẫn phòng ngừa việc lây nhiễm COVID-19. Xây dựng các thông điệp truyền thông “cảnh báo sớm” ngắn gọn và rõ ràng liên quan đến sơ tán và ứng phó với thiên tai trong bối cảnh đại dịch và giãn cách xã hội.

Triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức rủi ro chung về Thiên tai và đại dịch COVID-19. Nâng cao nhận thức về giá trị của việc tăng cường khả năng chống chịu thiên tai trước các tác nhân gây rủi ro, bao gồm cả các đại dịch, để có thể phòng ngừa tốt hơn thông qua các hoạt động phòng và nâng cao kiến ​​thức về tăng cường khả năng chống chịu thiên tai. Thực hiện đánh giá rủi ro và truyền thông về các trường hợp thiên tai và các rủi ro khác xảy ra đồng thời ở các khu vực có nguy cơ cao.

Cần coi trong cấp nước, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân là những yếu tố quan trọng để ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 và khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng.

Bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường

Thiên tai thường dẫn đến gián đoạn cấp nước và do đó sẽ có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực ngăn chặn COVID-19. Ở những vùng cực kỳ khan hiếm nước, thiên tai có thể ảnh hưởng đến hoạt động rửa tay, quản lý chất thải và các hoạt động khác nhằm ngăn ngừa sự lây truyền từ người sang người của virus. Do vậy, cần chú ý đến các rủi ro do hạn hán gây ra vì thiếu nước có thể ngăn cản nỗ lực duy trì vệ sinh.

Bên cạnh đó, bảo vệ cơ sở hạ tầng cấp nước không bị ô nhiễm, đặc biệt là tại nguồn. Xem xét sử dụng các nguồn nước thay thế không bị ô nhiễm bao gồm: nước mưa, và tái sử dụng nước thải để phòng ngừa hậu quả thiên tai và đại dịch.

Đối tác Nước toàn cầu cho rằng, các kế hoạch Phòng chống thiên tai của các nhà công ty/nhà máy cấp nước cần lưu ý đến không chỉ các tác động của thiên tai mà còn ảnh hưởng của bệnh dịch. Đại dịch sẽ ảnh hưởng đến nhân sự cũng như chất lượng cung cấp dịch vụ. Yêu cầu đảm bảo vệ sinh phải được thực hiện trong tất cả các giai đoạn, thông qua các kênh khác nhau như trung tâm y tế, điểm cấp nước/vệ sinh và nhân viên cứu hộ/cứu nạn khẩn cấp.

Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, điều tra để truy vết COVID-19 trong nước thải của các cộng đồng bị nhiễm virus nhằm ngăn ngừa sự lây nhiễm, đặc biệt vào thời điểm thiên tai. Các cách tiếp cận mới như dịch tễ học dựa trên nước thải (WBE) nên được áp dụng. Đây có thể là những cách hiệu quả và nhanh chóng để dự đoán khả năng lây lan của COVID-19 trong nước và hệ thống nước thải.

Yêu cầu các công ty cấp nước tăng cường sử dụng các công cụ kỹ thuật số và áp dụng các hệ thống giám sát/tự động hóa từ xa trong kế hoạch phòng chống thiên tai. Trừ các công nhân và cán bộ trực tiếp vận hành hệ thống cấp nước và xử lý nước thải, còn lại sẽ phải làm việc từ xa nếu có thể trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đối với công nhân tại công trường, cần phải bố trí các ca làm việc cách nhau để đảm bảo giãn cách xã hội và công nhân phải được cung cấp các trang bị bảo vệ cá nhân (PPE).

Ngoài ra, lưu ý các cơ sở hạ tầng quan trọng và nguồn nhân lực trong quá trình ứng phó và khắc phục lũ lụt và hạn hán đang chịu ảnh hưởng bởi một đại dịch đang diễn ra cùng một lúc.

Nguồn: Báo tài nguyên môi trường

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
Email